Dự thảo Quyết định về việc ban hành Quy định áp dụng cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong cung cấp sản phẩm, dịch vụ công tại các đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp có vốn Nhà nước thuộc TP Hà Nội đang được Sở Nội vụ xây dựng. Theo đó, để áp dụng được Quyết định này, Hà Nội cần có một cuộc rà soát đồng bộ tất cả các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập để có được bức tranh về thủ tục hành chính, từ đó mới loại bỏ được những thủ tục không cần thiết, đơn giản hóa những thủ tục còn rườm rà.... với mục đích cuối cùng là tạo sự phát triển thuận lợi cho doanh nghiệp.

Người dân được lợi gì?

"Hiện nay, vẫn còn thực trạng, muốn mua điện, nước không phải dễ, chậm thanh toán cắt điện cắt nước nhưng khi mất điện, nước thì người dân không được thông báo, hoặc thông báo không kịp thời" Trưởng phòng Văn bản pháp quy, Sở Tư pháp Hà Nội, Nguyễn Công Anh chia sẻ.

Trước khi xây dựng dự thảo Quyết định về việc ban hành Quy định áp dụng cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong cung cấp sản phẩm, dịch vụ công tại các đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp có vốn Nhà nước thuộc TP Hà Nội thì dự thảo đã có 1 năm thực hiện thí điểm. Qua đó đã cho thấy, người dân vẫn còn phải đi lại nhiều lần, thời gian giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) dài, không ít những TTHC chưa được công khai  minh bạch.
Thực tế, câu chuyện nhũng nhiễu, nhiều thủ tục, thành phần hồ sơ không biết để làm gì đã được đề cập nhiều trong thời gian qua. Điều đáng nói là dường như khi câu chuyện cải cách hành chính đã đi được một chặng đường và đã để lại những kết quả đáng ghi nhận thì sự kỳ vọng của người dân về việc xây dựng và thực hiện dự thảo trên lại càng lớn. Vì vậy, để dự thảo đáp ứng được sự mong chờ của người dân, Phó giám đốc Sở Nội vụ, Ngô Quang Tuấn cho rằng, cần phải làm rõ người dân được lợi gì sau khi văn bản này được thực hiện. Muốn làm được điều này, không chỉ đơn giản hóa các TTHC, đồng thời công khai minh bạch các thủ tục, cũng như chi phí tuân thủ, mà trước hết cần ưu tiên vào những lĩnh vực gần với người dân nhất như y tế, giáo dục, đất đai, tài nguyên môi trường... 

Nếu được thông qua, doanh nghiệp có vốn Nhà nước thuộc Hà Nội cũng sẽ thực hiện một cửa, một cửa liên thông

 

Phân loại cụ thể 
Khẳng định sự cần thiết của việc ban hành Quyết định trên, song rất nhiều băn khoăn đã được nêu lên tại cuộc họp lấy ý kiến về dự thảo do Sở Nội vụ Hà Nội tổ chức. Băn khoăn này không chỉ đến từ đại diện doanh nghiệp mà ngay cả đơn vị hành chính sự nghiệp. Bởi mỗi một loại đối tượng chịu sự điều chỉnh của văn bản này có những đặc thù riêng. Trong khi, hiện nay dù doanh nghiệp theo hình thức sở hữu nào thì đều hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và nguyên tắc hoạt động của họ là tự chủ. Việc công khai các TTHC, đơn giản hóa các TTHC có phải là điều bắt buộc đối với doanh nghiệp hay không?. Đây là vấn đề cần làm rõ, vì liên quan đến tính pháp lý của văn bản. Bởi, nếu dùng Nghị định – tức là văn bản quy phạm pháp luật – điều chỉnh thì mang tính chất bắt buộc. Tuy  nhiên, nếu bắt buộc doanh nghiệp công khai TTHC, đơn giản hóa TTHC liệu có khả thi và có trái với những quy định liên quan đến quyền tự chủ của doanh nghiệp. Ở góc nhìn này, ngay tại cuộc họp đã có ý kiến cho rằng, có rất nhiều doanh nghiệp không phải vốn Nhà nước nhưng cung cấp dịch vụ công, chẳng hạn hiện nay việc bán điện, nước không chỉ do các Công ty Điện lực cung cấp mà có cả tư nhân. Chính vì vậy, để bảo đảm tính khả thi của văn bản này, cần phải giảm yếu tố bắt buộc, có những quy định mang tính chuyển tiếp.
Cũng từ góc nhìn trên, đại diện Sở Quy hoạch Hà Nội cho rằng, hiện nay việc cung cấp các dịch vụ của Sở như dịch vụ cung cấp chỉ giới... được thực hiện qua hợp đồng cung cấp dịch vụ, mọi vấn đề liên quan đều giải quyết theo pháp luật kinh tế, nếu có tranh chấp thì giải quyết bằng con đường Tòa án. Hơn nữa, hiện nay mức phí do Nhà nước quy định không bù đắp được chi phí thực tế, nên việc cung cấp dịch vụ cho người dân là tự làm tự hoạch toán. Đây cũng là câu chuyện của các công ty cây xanh, chiếu sáng, dịch vụ môi trường đô thị. Khách hành chủ yếu của các công ty này là các cơ quan Nhà nước, và "một cửa" của những loại hình công ty này là đường dây nóng. Từ đường dây nóng đi đến các phòng ban liên quan trong việc khắc phục sự cố như vấn đề về cây xanh, hoặc là thắp sáng, còn việc các TTHC liên quan đến cây xanh, thắp sáng lại do Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch – Kiến trúc quản lý. Rõ ràng mỗi một loại hình doanh nghiệp lại có đặc thù riêng, một loại khách hàng không giống nhau và dĩ nhiên có những TTHC không giống nhau. Chính vì thế, dự thảo cần phân loại theo nhóm cụ thể đối với doanh nghiệp có vốn Nhà nước hay thuộc về đơn vị sự nghiệp công lập.
Theo đó, để áp dụng được Quyết định này, Hà Nội sẽ phải xây dựng Bộ quy chuẩn các TTHC. Như vậy, sẽ cần có một cuộc rà soát đồng bộ tất cả các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập để có được bức tranh về TTHC hiện tại, từ đó mới loại bỏ được những TTHC không cần thiết, đơn giản hóa những TTHC còn rườm rà. Đối với các doanh nghiệp dù là có vốn Nhà nước, thì Sở Nội vụ cần ngồi lại cùng doanh nghiệp tìm được tiếng nói chung, đi đến sự tư vấn cần thiết đối với TTHC hiện tại và những TTHC cần loại bỏ, đơn giản hóa với mục đích cuối cùng là tạo sự phát triển thuận lợi cho doanh nghiệp. 

Nguyễn Minh
Theo daibieunhandan.vn


Tin đã đăng

    Tin liên quan

      Top